CHUNG JU-YUNG – NGƯỜI ĐỨNG SAU THÀNH CÔNG RỰC RỠ CỦA ĐẾ CHẾ HYUNDAI

Mục lục

CHUNG JU-YUNG – NGƯỜI ĐỨNG SAU THÀNH CÔNG RỰC RỠ CỦA ĐẾ CHẾ HYUNDAI

 

Nhắc đến những tập đoàn nổi tiếng nhất của Hàn Quốc, người ta không thể nào bỏ qua Hyundai – đế chế đã góp một phần không nhỏ vào việc đưa nền kinh tế Hàn Quốc lên đứng thứ 4 toàn Châu Á (theo GDP). Tuy vậy, không nhiều người biết rằng nhà sáng lập, cố chủ tịch của Hyundai – ông Chung Ju-Yung xuất thân từ một gia đình làm nông và đã khởi nghiệp chỉ với hai bàn tay trắng.

Trong bài viết này, hãy cùng Fast Auto tìm hiểu về Chung Ju-Yung – người đứng sau thành công rực rỡ của Hyundai nhé!

logo hyundai 20211219094116599

 

Đôi nét về Chung Ju-Yung

Chung Ju-Yung sinh ngày 25/10/1915, mất ngày 21/03/2001.

Ông là một nhà tư bản công nghiệp, doanh nhân, nhà từ thiện nổi tiếng của Hàn Quốc. Đồng thời, ông cũng chính là nhà sáng lập và cố chủ tịch của tập đoàn Hyundai – tập đoàn đa ngành lớn thứ 2 tại “xứ sở kim chi”. Với thành tựu của mình, ông trở thành một trong những nhà công nghiệp có ảnh hưởng lớn nhất Hàn Quốc.

chung ju yung 20211219094530224

 

Với xuất thân khiêm tốn từ một gia đình nghèo có truyền thống làm nông tại tỉnh Tongchon, Triều Tiên, ông có tới 7 người em khác. Dưới áp lực của hoàn cảnh gia đình, ông đã buộc phải nghỉ học từ bậc Tiểu học. Tuy nhiên, những khó khăn ấy không những không làm nản lòng Chung Ju-Yung, mà còn thúc đẩy ông trên con đường trở thành một trong những doanh nhân thành công nhất của Hàn Quốc.

Những cột mốc cuộc đời

Sống trong cảnh nghèo khó, mơ ước đầu đời của Chung Ju-Yung là trở thành một người nhà giáo, nhưng ông biết, hoàn cảnh nghèo khó bấy giờ của gia đình không cho phép ông thực hiện điều đó. Để phụ giúp cha mẹ lo cho một gia đình 10 miệng ăn, từ nhỏ ông đã phải vượt qua những con đường dài đến thành phố, bán củi kiếm tiền.

Chính sự tiếp xúc với đô thị xa hoa này, đã khiến Chung Ju-Yung nuôi lớn ý chí làm giàu của mình. Ông bắt đầu những cuộc bỏ trốn khỏi nhà để tìm cơ hội thoát khỏi cái nghèo.

1.   Bốn lần bỏ nhà ra đi

Lần đầu tiên Chung Ju-Yung  bỏ nhà ra đi ông mới 16 tuổi. Ông và những người bạn của mình đã phải đi bộ 15 dặm để đến được thành phố Kowon. Họ tìm được việc trong một công xưởng, nhưng mức lương quá thấp đã không giúp Chung Ju-Yung làm chủ được tài chính như ông mong muốn. Chuyến đi kết thúc 2 tháng sau đó, khi bố ông tìm ra và đưa ông trở về nhà. Tuy ngắn ngủi, nhưng ông đã tìm thấy đam mê của mình trong ngành xây dựng kỹ thuật dân dụng (các công trình về cầu đường, đê đập,…).

chung ju yung luc tre 20211219094722024

 

Sau đó 2 năm, vào tháng 4 năm 1933, Chung Ju-Yung đã cùng 2 người bạn tẩu thoát khỏi nhà mình lần thứ 2 với nung nấu giải quyết được cái nghèo, đói, và sự thiếu thốn của gia đình. Không may, chuyến đi này của ông lại gặp sóng gió nhiều hơn cả chuyến đi trước: một người bạn đồng hành của ông bị gia đình bắt gặp và phải trở về nhà; ông và người bạn còn lại bị lừa sạch tiền ngay khi đặt chân đến Seoul. Một lần nữa, ông bị bắt gặp và đưa trở về nhà bởi những người họ hàng của gia đình tại Seoul.

Cảm thấy có lỗi với bố mình, ông đã ở lại trang trại làm một người nông dân suốt một năm sau đó, nhưng ngọn lửa nhiệt huyết trong lòng ông chưa bao giờ lụi tàn. Vì vậy, ông quyết định bán một con bò của bố và lấy 70 won đó mua một vé tàu đến Seoul.

Lần này, ông vào một trường học kế toán của địa phương. Trải qua 2 tháng suôn sẻ, bố ông lần nữa xuất hiện trước mặt ông và bảo ông rằng:

“Con phải nhớ con là một đứa nhà quê học hết cấp 1, ở Seoul người ta học hết trường cao đẳng còn thất nghiệp đầy cả đống. Cha già rồi, con là con trưởng thì phải giúp cha, con mà bỏ mặc thì cả nhà sẽ thành đám ăn mày”

Không thể bỏ mặc gia đình, lần ra đi thứ 3 của ông chính thức thất bại.

chung ju yung luc gia 20211219094839522

 

Trái với thành ngữ “quá tam ba bận”, Chung Ju-Yung không từ bỏ, ông đến với Seoul một lần nữa, và đây chính là bước ngoặt định mệnh của cuộc đời ông.

Sau một thời gian làm khuân vác, vận chuyển từ các công trường đến xưởng gạo, thái độ làm việc của ông đã giúp ông trở thành kế toán và rồi kế thừa xưởng gạo đó. Sau 2 năm hoạt động, xưởng gạo của ông buộc phải đóng cửa do tình hình chiến sự giữa Triều Tiên và Nhật Bản.

2.   Đế chế Hyundai

Với số vốn có được, lần này ông đã chủ động về quê, mua ruộng đất cho cha mẹ, và quay lại Seoul mua một xưởng ô tô cũ, dấn thân vào ngành công nghiệp triệu đô. Tuy nhiên, xưởng sửa xe này của ông đã đóng cửa khi chưa đưa ông đến được thành công vang dội.

Sau khi chiến tranh kết thúc, kinh tế Hàn Quốc rơi vào khủng hoảng, buộc chính phủ phải chiêu mộ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước để khôi phục lại nền kinh tế. Nắm bắt cơ hội này, năm 1947, Chung Ju-Yung thành lập tập đoàn Hyundai. Không phụ lòng mong mỏi của ông, Hyundai đã giành được hợp đồng xây dựng cơ sở vật chất hải cảng, đường bộ và doanh trại quân đội với chính phủ. Vươn lên thành một trong những tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc. Thậm chí, Hyundai là một trong số ít những tập đoàn không chịu ảnh hưởng lớn do chiến tranh Triều Tiên gây ra vào đầu những năm 1950.

logo hyundai 20211219094116599

 

Hyundai cho ra mắt chiếc xe đầu tiên mang tên Pony vào năm 1976, và những chiếc xe của tập đoàn đã thành công thâm nhập thị trường Hoa Kỳ vào 10 năm sau đó.

Là tập đoàn đa ngành, ngoài xây dựng, sản xuất ô tô, Hyundai còn góp mặt trong cả ngành đóng tàu, Chung Ju-Yung đã thuyết phục được ngân hàng Barclays ở London về tiềm năng của công nghiệm đóng tàu của Hàn Quốc. Họ đã cho ông vay 50 triệu USD chỉ với tờ 500 won có hình con tàu mà người Triều Tiên từng đóng vào thế kỉ XVI mà ông mang đến.

hyundai pony 20211219095039010

 

Những năm 80 của thế kỷ XX, Huyndai chính thức trở thành chaebol (tập đoàn gia đình) lớn nhất Hàn Quốc với các ngành: xây dựng, sản xuất ô tô, đóng tàu và cả sản xuất chip vi tính.

Thành tựu của cố chủ tịch Chung Ju-Yung

·         Với cống hiến cả đời của mình, ông đã nhận được Huy chương từ Nữ hoàng Anh Elizabeth II, Chính phủ Trung Quốc cũng như Chính phủ Zaire.

·         Chung Ju-Yung là người đầu tiên không phải người Mỹ nhận bằng Tiến sỹ danh dự về kinh thương của Đại học George Washington.

·         Ông giữ nhiều chức vụ trong chính phủ cũng như góp phần giúp Hàn Quốc giành được quyền đăng cai Thế vận hội năm 1988.

·         Năm 1977, ông thành lập “Quỹ Asan” với 4 lĩnh vực chính: hỗ trợ y khoa, an sinh xã hội, nghiên cứu phát triển và quỹ học bổng.

chung yu yung quote 20211219095153761

 

Bên trên là những thông tin cơ bản về cố chủ tịch và nhà sáng lập của tập đoàn Hyundai, một trong những doanh nhân ảnh hưởng lớn đến xứ sở kim chi – ông Chung Ju-Yung. Nếu muốn tìm hiểu nhiều hơn về cuộc đời cũng như con đường khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng của ông, quý bạn đọc cũng có thể tìm mua cuốn “Không bao giờ là thất bại, tất cả là thử thách” – tự truyện nổi tiếng do chính Chung Ju-Yung viết.

Xem thêm: Subaru của nước nào?