Mục lục
CẤU TẠO VÀ NGUYÊN LÝ HOẠT ĐỘNG TRỤC KHUỶU THANH TRUYỀN
Đối với động cơ đốt trong, trục khuỷu thanh truyền là một bộ phận vô cùng quan trọng, có kết cấu phức tạp và chiếm diện tích lớn. Đây cũng là bộ phận hoạt động chủ yếu trong động cơ, giúp nhận lực và tác dụng lực.
Để tìm hiểu về kỹ thuật ở các phương tiện sử dụng động cơ đốt trong, việc nắm rõ cơ cấu trục khuỷu thanh truyền là vô cùng cần thiết. Vậy, cấu tạo bộ phận này gồm những gì, nguyên lý hoạt động và công dụng của nó ra sao?
Trục khuỷu thanh truyền là gì?
Là một bộ phận chính yếu của động cơ đốt trong, trục khuỷu thanh truyền là một cơ cấu phức tạp gồm các bộ phận liên kết và hoạt động ăn khớp với nhau. Đây là hệ thống không thể thiếu để động cơ hoạt động.
Cấu tạo trục khuỷu thanh truyền
Trục khuỷu thanh truyền có cấu tạo gồm 3 nhóm chi tiết:
Nhóm pít-tông: Với thành phần chính là các pít-tông, nhóm này chuyển động tịnh tiến trong xi-lanh nhằm tạo ra lực đẩy cho động cơ.
Nhóm thanh truyền: Gồm thanh truyền vừa chuyển động tịnh tiến, vừa quay tròn, nhóm này nối liền hai nhóm pít-tông và trục khuỷu giúp chúng truyền, chuyển đổi lực.
Nhóm trục khuỷu: Bộ phận chính là trục khuỷu, chỉ chuyển động xoay tròn tạo ra chuyển động của phương tiện.
Pít-tông:
-
Nhiệm vụ:
Pít-tông cùng với xi-lanh và nắp máy tạo thành không gian làm việc. Trong động cơ 4 thì, bao gồm các giai đoạn: nạp-nén-nổ-thải khí, nhóm pít-tông có nhiệm vụ nhận lực từ khí đốt cháy, truyền tới trục khuỷu để sinh công trong giai đoạn nổ. Ngược lại, chúng cũng nhận lực từ trục khuỷu để thực hiện các quá trình: nạp, nén, thải khí.
-
Cấu tạo:
Cấu tạo Pít-tông gồm 3 phần chính: đỉnh, đầu và thân.
Đỉnh pít-tông:
Ló nhiệm vụ chính là nhận lực đẩy từ khí cháy, đỉnh pít-tông chia thành 3 dạng: đỉnh bằng, đỉnh lồi, đỉnh lõm. Mỗi hình thức cấu tạo cũng sẽ gắn với những đặc điểm về chức năng riêng biệt:
Đỉnh bằng:
Là loại phổ biến nhất, có diện tích chịu nhiệt nhỏ và dễ chế tạo. Tạo hình này của đỉnh pít-tông thường được dùng cho động cơ dùng dầu diesel có dạng buồng cháy xoáy lốc.
Đỉnh lồi:
Diện tích chịu nhiệt lớn, có sức bền, đỉnh lồi giúp cho động cơ có quá trình nạp và thải khí tốt hơn nên thường dùng cho động cơ xăng 2 kỳ.
Đỉnh lõm:
Sử dụng cho cả động cơ xăng và động cơ diesel, nhưng thường thấy hơn ở động cơ diesel vì có những xoáy nhẹ trên đỉnh giúp trộn lẫn dầu và khí tốt hơn. Dù có diện tích chịu nhiệt lớn hơn đỉnh bằng, nhưng pít-tông đỉnh lõm bị đánh giá thấp hơn về súc bền.
Đầu pít-tông:
Phần đầu pít-tông có các rãnh để lắp xéc-măng khí và xéc-măng dầu giúp đầu pít-tông bao kín buồng cháy. Các xéc-măng khí được lắp ở trên với mục đích ngăn khí cháy lọt xuống cacte, và các xéc măng dầu phía dưới với các lỗ thoát dầu nhằm nhằm không cho dầu bôi trơn từ cacte lọt vô buồng cháy.
Thân pít-tông:
Dùng để định hướng cho pít-tông di chuyển trong xi-lanh và thông qua lỗ ngang lắp chốt pít-tông nối với đầu nhỏ của thanh truyền để truyền lực.
Thanh truyền :
-
Nhiệm vụ:
Bộ phận này có nhiệm vụ chính là kết nối, truyền lực giữa pít-tông và trục khuỷu.
-
Cấu tạo:
Thanh truyền gồm có:
Đầu nhỏ thanh truyền: được nối với chốt pít-tông để nhận lực. Bên trong có bạc lót hoặc ổ bi để giúp giảm ma-sát và hao mòn các bề mặt ma sát.
Thân thanh truyền: nối hai đầu bộ phận.
Đầu to thanh truyền: được nối với chốt khuỷu. Phần đầu to này có thể được làm nguyên khối hoặc chia thành hai nửa và ghép với nhau bằng bu-lông. Tùy thuộc vào cấu tạo đầu to mà bạc lót của nó cũng được là nguyên khối hoặc chia đôi.
Trục khuỷu
-
Nhiệm vụ:
Là nơi tạo ra mô-men quay là các lực tịnh tiến, trục khuỷu là nơi dẫn động các cơ cấu và hệ thống của động cơ, điển hình là ở bánh xe ô tô.
-
Cấu tạo:
Trục khuỷu được cấu tạo bởi 6 phần:
Đầu trục khuỷu: thường được lắp đai ốc để khởi động động cơ bằng tay quay khi cần.
Chốt khuỷu: đây là bộ phận được nối với đầu to thanh truyền để dẫn truyền lực.
Cổ khuỷu: trục chính nối tất cả các bộ phận trên trục khuỷu.
Má khuỷu: nối giữa cổ khuỷu và chốt khuỷu.
Đối trọng: nằm trên má khuỷu (có thể nối liền hoặc được gắn vào bằng bu-lông) nhằm cân bằng, giảm rung động, âm thanh động cơ cho trục khuỷu.
Đuôi trục khuỷu: được thiết kế để lắp với bánh đà, từ đó truyền lực tới máy công tác, hay bánh xe hơi.
Để hiểu cơ bản về kỹ thuật động cơ hay chuyên sâu với các ngành sửa chữa, lắp ráp ô tô, thì việc tìm hiều về trục khuỷu thanh truyền là vô cùng cần thiết. Hy vọng bài viết trên có thể cung cấp kiến thức cũng như giải đáp các thắc mắc về trục khuỷu thanh truyền ở động cơ đốt trong cho quý bạn đọc!
Có thể bạn sẽ quan tâm: Kích thước xe 7 chỗ
Bài viết liên quan
Mùa mưa ở Việt Nam bắt đầu từ tháng mấy?
Cuộc gặp gỡ hiếm có của những người yêu VinFast VF9 với số lượng 333 xe
Ô tô bị cây đổ đè bẹp có được nhận bồi thường không?